(PetroTimes) – Bước vào năm mới 2025, như có một luồng gió mới trong đời sống kinh tế, chính trị nước ta – luồng gió đổi mới trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ.
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, sáng 13/1, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu từ cấp tỉnh đến cấp xã ở các địa phương. Trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, phải làm sao để Nghị quyết quan trọng này sớm đi vào cuộc sống, coi đây là “Khoán 10” trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Tổng Bí thư đã nhắc tới một Nghị quyết đổi đời cho nông dân Việt Nam, chắp cánh cho nền kinh tế nước ta thoát khỏi cánh đồng của tư duy tự cấp, tự túc, bước vào kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (Khóa VI), tháng 4/1988, về “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”, sau này người dân quen gọi là “Khoán 10” thật sự là cứu cánh, góp phần giải phóng sức sản xuất; gắn sắp xếp, tổ chức lại sản xuất với cải tạo xã hội chủ nghĩa, tăng cường cơ sở vật chất – kỹ thuật và đưa kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất nông nghiệp. Phát huy được mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế, các vùng, các ngành; chuyển nền nông nghiệp nước ta còn mang nặng tính chất tự cung, tự cấp ở nhiều vùng sang sản xuất hàng hóa theo hướng chuyên môn hóa kết hợp kinh doanh tổng hợp phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng, từng bước đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn. Từ đây đã giải quyết nhu cầu cơ bản về lương thực, thực phẩm, tăng thêm nguyên liệu cho công nghiệp, hàng hóa cho tiêu dùng và xuất khẩu, phục vụ tốt ba chương trình kinh tế lớn.
Nghị quyết 10 khẳng định tư tưởng “giải phóng sức sản xuất” trong các mối quan hệ về lợi ích và nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là bảo đảm lợi ích người lao động”. Quan điểm này của Đảng đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 6, khóa IV, năm 1979 và Chỉ thị 100, là bước đổi mới đầu tiên về tư duy lý luận của Ðảng ta về nông nghiệp, nông thôn, nhưng khi đó chưa thật cụ thể. Cho đến “Khoán 10”, nông thôn, nông nghiệp nước ta đã bừng lên sức sống mới.
“Khoán 10” trở thành dấu mốc lịch sử trên hành trình xây dựng đất nước. Giờ đây khi bước vào kỷ nguyên mới, thật ý nghĩa khi chúng ta đón nhận một Nghị quyết, một chủ trương, định hướng lớn của Đảng trong thời kỳ khoa học công nghệ phát triển thần tốc, thay đổi thế giới từng ngày. Quan điểm cốt lõi của Đảng được xác định: Xem dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là “không khí và ánh sáng” của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới; chuyển đổi số là công cụ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất. Đổi mới sáng tạo chính là “cây gậy thần” đạt tới thịnh vượng bền vững, với nhà khoa học giữ vị trí trung tâm.
Nhân dân cả nước rất vui mừng, bày tỏ sự tin tưởng, đồng tình ủng hộ, bởi đây là một Nghị quyết mang tính mở đường trong thời kỳ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Nghị quyết này kế thừa các Nghị quyết trước đây của Trung ương nhưng đặc biệt nhấn mạnh khâu tổ chức thực hiện, coi đây là “Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học”,“Nghị quyết để thực hiện các Nghị quyết”, “Nghị quyết của hành động”.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57, ngày 9/1/2025, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 03/NQ-CP nêu rõ Chương trình hành động của Chính phủ. Đây là Chương trình hành động tổng thể, toàn diện, được thiết kế với tầm nhìn dài hạn, mục tiêu rõ ràng và các giải pháp mang tính khả thi cao, nhằm cụ thể hóa các định hướng, chủ trương lớn của Đảng thành những hành động thiết thực, sát thực tiễn.
Cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ, Petrovietnam hướng tới mục tiêu: “Đổi mới từ cốt lõi – Phát triển mô hình vượt trội – Hội nhập chuỗi toàn cầu – Nâng tầm tri thức năng lượng – Bứt phá trong tăng trưởng – Tạo bước chuyển xanh bền vững”.
Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 57 do đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban. Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo yêu cầu Nhà nước tập trung làm thật tốt bốn nhiệm vụ: Một, hoàn thiện thể chế, pháp lý để thực hiện đột phá, phát triển; Hai, xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ đột phá; Ba, tạo nguồn nhân lực phong phú, trí tuệ đủ năng lực để đột phá; Bốn, bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu thông tin, bí mật, bí quyết, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, bảo mật chủ quyền quốc gia, phát triển độc lập.
Để thực các nhiệm vụ nêu trên cần quyết liệt hoàn thiện thể chế, xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản, biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Với niềm tin tưởng trước những thành tựu to lớn qua bốn thập niên đổi mới, trong xu thế hội nhập quốc tế mạnh mẽ, chúng ta hi vọng sẽ đón bắt kịp thời những thời cơ lớn, vượt qua mọi thách thức để biến Nghị quyết thành hiện thực trong tương lai gần.